Thứ Năm, 9 tháng 9, 2021

[7.33] Tàu không số/ Đường Hồ Chí Minh trên biển Đông - Những con tàu huyền thoại (2): Sự kiện hải quân Mỹ chặn đánh tàu không số 100 của Lữ đoàn 125 hải quân nhân dân Việt Nam ngày 10/5/1966 tại cửa sông Rạch Già (Cà Mau) ngày 9 và 10/5/1966

2021090968054


1. Thông tin phía Việt Nam

Sau khi tàu 69 vào bến, một ngày sau, đêm 23 rạng 24 tháng 4 năm 1966, tàu 100 được lệnh rời bến Bính Đông. Tàu 100 do thuyền trưởng Lê Minh Sơn và chính trị viên Nguyễn Hữu Tương chỉ huy. Thuyền phó là Ngô Văn Sở và Phạm Ngọc Điển; các thủy thủ gồm: Nguyễn Thành Thưởng, Lê Văn Cớt, Đàm Văn Chung, Phùng Văn Quý, Trần Văn Đua, Đặng Thanh Bàn, Lê Xuân Giản, Đoàn Văn Minh, Lê Văn Thi, Lê Văn Tưởng, Cao Văn Thiện, Lê Công Khanh.

Đi được một ngày, theo lệnh của Sở chỉ huy, tàu dửng lại ở A3. Ngày 5 tháng 5, tàu tiếp tục lên đường. Sáu ngày đầu, tàu đi trong sự yên tĩnh. Ngày thứ 7, khi tàu ở vào toạ độ 09o55 vĩ bắc, 109o30 kinh đông thì gặp một tàu khu trục Mỹ. Vừa phát hiện tàu lạ, chiếc khu trục tăng tốc độ, bám sát. Cuộc "hộ tống” kéo dài nhiều giờ. Tàu 100 mấy lần định “cắt đuôi” nhưng không được. Đêm 9 rạng 10 tháng 5, tàu quyết định chuyển hướng vào bờ. Máy bay trinh sát của địch phát hiện được, lập tức chúng báo động và điều tàu chiến đấu. Sau đó một thời gian, chiếc tàu chiến của hải quân Mỹ mang tên Uscg Cuher Poiut Grey đã có mặt. Chúng đánh tín hiệu xin cập mạn. Tàu ta vẫn không đáp. Tàu Mỹ chạy nhanh về phía trước, có ý chặn đường, nhưng tàu 100 vẫn tiến thẳng, sẵn sàng đâm vào tàu địch. Thấy vậy, tàu Mỹ phải tránh sang một bên. Song tàu Cuher Poiut Grey vẫn bám sát tàu ta, với ý định đe doạ, buộc tàu 100 phải đầu hàng. Tàu 100 không nổ súng trước, mà tranh thủ đi nhanh về phía bờ. Lúc này, thấy ám hiệu: hai đống lửa ở cửa Bồ Đề, nên tàu đã đi vào cửa Rạch Già. Đêm đó nước ròng, tàu vào tới Rạch Già thì bị mắc cạn

Ngoài khơi, địch điều thêm 3 tàu chiến nữa với ý định cướp tàu ta. Trước tình hình đó, chi ủy, cán bộ tàu 100 quyết định cho anh em lên bờ, bắt liên lạc với bến. Trước khi rời tàu, đồng chí Phạm Ngọc Điển thuyền phó và đồng chí Lê Văn Cớt thợ máy ở lại điểm hoả để phá tàu và phá vũ khí. Song không rõ nguyên cớ gì, tàu 100 không nổ. Tàu của địch không dám vào gần tàu ta, nó ở xa 200 mét đánh tín hiệu xin cập mạn. Nó tưởng trên tàu 100 vẫn còn người.

Tàu địch kéo còi mấy lần, không thấy tàu ta đáp lại chúng cho hai tên liều mạng bơi về phía tàu 100 thăm dò. Nhưng lúc đó, lực lượng ở bến do đồng chí Tư Mao chỉ huy đã ra kịp thời, bắn xả vào mấy tên địch, buộc chúng quay lại.

Lúc ấy trời đã gần sáng. Khả năng giữ được tàu, không cho địch kéo đi rất khó. Đồng chí Tư Mao cùng với thợ máy Cớt và Hải, một du kích của bến, bơi ra tàu thu thập tài liệu liên quan đến chuyến đi và bí mật của đơn vị.

Suốt ngày hôm đó, các thủy thủ tàu 100 phối hợp với lực lượng ở bến chiến đấu kiên cường, quyết không cho địch vào gần cướp tàu.

Khoảng gần trưa, thêm hai tàu nữa của địch đến. Chúng dàn đội hình quây lấy tàu 100, đồng thời xả đạn vào bờ. Song vẫn bị chống trả quyết liệt nên ý định cướp tàu không thành. Máy bay trực thăng, máy bay phản lực đến dội bom, bắn phá khu vực, với mục đích không cho ta bám tàu. Sau mỗi đợt bắn phá, tàu địch lại vào, anh em ta đánh rát, chúng lại dạt ra. Mãi đến 10 giờ sáng ngày hôm sau, biết không bắt sống được tàu ta, bọn địch ném bom xuống tàu. Thuốc nổ của bom, thuốc nổ trên tàu và vũ khí chứa trong nó, khiến con tàu bùng lên dữ dội và mất dạng. Như vậy là ý định bắt sống cán bộ chiến sĩ và cướp tàu ta của kẻ địch không thực hiện được. Đã vậy, địch bị nhiều tổn thất. "Trời vừa mờ sáng, tàu Poăng-gơ-rây đã đến cách mục tiêu 500 mét, dự định đổ bộ lên tàu địch (tức tàu 100), nhưng đã gặp sự kháng cự mãnh liệt của hoả lực tử các bụi rậm trên bờ bắn xuống. Tàu Poăng-gơ-rây đã cố giữ vững vị trí và anh dũng chống trả với tất cả hoả lực... Cuộc chống trả dai dẳng và gay go này đã làm cho tàu Poăng-gơ-rây bị nhiều thiệt hại, ba pháo thủ tiền vệ bị thương, vỏ tàu bị nhiều vết đạn xuyên phá...". Đó là lời thú nhận của kẻ địch trong một tài liệu sau này Đoàn 125 thu được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét