Thứ Bảy, 9 tháng 9, 2017

[5.45] Địa danh (5): Bản Huội Chăng/ Hui Chang, Bản Nahi, Khu vực đóng quân của Sở chỉ huy Đoàn 559/ bộ đội Trường Sơn năm 1967-1969

20170909

1. Ngày 9/2/1969 khu vực gần bản Nahi - huyện Sêpôn - Lào đã bị không quân Mỹ ném bom B52. Khu vực này có hầm chỉ huy của Bộ Tư lệnh Đoàn 559 bộ đội Trường Sơn. Phía Nam bản Nahi có bản Huoi Chang/ Hui Chang, được ghi nhận có bộ đội của tiểu đoàn 24 công binh của Đoàn 559 trong ngày 9/2/1969 này.


2. Bản đồ vị trí bản Nahi, bản Huoi Chang/Hui Chang







Câu chuyện đi tìm vị trí hầm chỉ huy Bộ Tư lệnh đoàn 559/bộ đội Trường Sơn đã được các cựu chiến binh kể lại tại đây:

http://hoitruongson.vn/tin-tuc/2153_11325/chuyen-di-tim-ham-chi-huy-bo-tu-lenh-559-1967-1969-.htm


Chuyện đi tìm Hầm Chỉ huy Bộ Tư lệnh 559 (1967-1969).
                                                                    Vũ Trình Tường

           Chuyện đi tìm Hầm Chỉ huy Bộ Tư lệnh 559 (1967-1969).
                                                                    Vũ Trình Tường

           Tảng sáng ngày 31/3/2011, những cựu binh Trường Sơn đã tề tựu đầy đủ để lên xe “Về thăm chiến trường xưa”. Không khí trên xe thật vui. Bao nhiêu kỷ niệm Trường Sơn mới được dịp giãi bày cùng đồng đội. Bác Võ Sở thông báo với mọi người ý kiến của bác Nguyên: “Lần này sang Lào, các cậu cố tìm ra Hầm Chỉ huy của Bộ Tư lệnh 559 trong các năm 1967-1969 ở gần bản Na Hi”. Anh Hoàng Anh Tuấn nói thêm: “Chúng tôi đã nhờ Tỉnh đội và huyện Sê Pôn tỉnh Savanakhet tìm kiếm trước rồi”.
        Ngày 01/4/2011, Đoàn qua Lao Bảo đi thẳng về Sa Vẳn để hội kiến với lãnh đạo tỉnh Savanakhet. Trong cuộc họp, bác Võ Sở đề đạt nguyện vọng của bác Nguyên và nhờ địa phương giúp đỡ. Lãnh đạo Tỉnh ủng hộ: “Đã giao cho Tỉnh đội và huyện Sê Pôn việc này, sáng mai xe của Văn phòng UB dẫn các đồng chí về thăm lại nơi đó. Nhưng ở Sê Pôn không có bản Na Hi, chắc là tên bản đã thay đổi, nhưng cái hầm của Bộ đội Việt Nam vẫn còn”      
        Sáng ngày 02/4/2011, một số cán bộ do Trưởng đoàn chỉ định quay lại Sê Pôn. Đi cùng chúng tôi có đại diện UB, Sở Nội vụ, Sở Văn hóa. Cùng đi còn có xe của Đại tá Tỉnh đội trưởng Xiểnxaynhalạt. Trên đường đi, anh phiên dịch nhận điện từ lãnh đạo huyện Sê Pôn rồi thông báo: “Chiều hôm qua dân bản đã dọn đường vào hầm của bộ đội Việt Nam, sáng nay tập trung ở đầu bản cầm cờ và hoa đón đoàn, lãnh đạo huyện Sê Pôn đang đón đoàn ở ngã ba Na Bo”. Chúng tôi thầm tiếc là không mang theo kẹo bánh, lương khô làm quà trả nghĩa cho dân bản. Anh Hoàng Tuấn thăm dò:
- Từ Na Bo đến bản bao xa, mà bản ấy tên là gì?.
- Là Bản May*, cách Na Bo 70 cây số, gần biên giới với Việt Nam.
- Bảy mươi cây số…sao lại thế nhỉ ? Bản Na Hi chỉ cách Na Bo dưới mười cây số thôi!
- Gần NaBo không có bản Na Hi và cũng không có cái hầm nào cả!
- Nhưng chắc chắn không phải ở bản cách NaBo 70 km!  Hoàng Tuấn khẳng định.
- Vậy chúng ta không vào bản May nữa ?
     Bác Võ Sở ái ngại nói với người phiên dịch:
-         Không vào nữa ! Nhờ các anh huyện Sê Pôn xin lỗi dân làng giúp chúng tôi!
     Căn cứ vào trí nhớ, chúng tôi mò mẫm dò tìm. Từ Na Bo chúng tôi đi theo đường 128A khoảng 5km rồi bắt đầu hỏi thăm Na Hi. Hầu hết mọi người địa phương đều lắc đầu. Khi gặp cụ bà ước chừng trên 80 tuổi đang ngồi dưới gốc cây muỗm. Một người trong chúng tôi bập bõm tiếng Lào:
      - Cụ có biết bản Na Hi ở đâu không?
     Cụ chậm rãi trả lời:
     - Có biết! Cụ chỉ tay về ngã ba đường phía trước :
     - Từ đó đi vào một cây số là bản Na Hi, nhưng bây giờ không còn người ở đâu, về bản Phôn Hay ở cả rồi!
        Chúng tôi rất mừng vì đã có manh mối. Do tiếng Lào không rành nên phải gọi người cán bộ tỉnh đến để hỏi về căn hầm chỉ huy của bộ đội Việt Nam. Bà cụ nói có biết đấy, nhưng xa lắm bây giờ đường không vào được. Cả đoàn kéo về bản Phôn Hay để dò tìm tin tức. Phò bản** phải triệu tập mấy cụ già để hỏi thăm về căn hầm. Phò bản nói:
- Cách đây trên hai chục năm, các bản nhỏ dồn dân thành bản lớn. Bản Na Hi dồn về bản Phôn Hay này. Còn về hầm của bộ đội Việt Nam, tôi có biết cái hầm đó, nó ở mãi gần Phu Ca Tôn cơ!
- Cụ có dẫn đường vào hầm được không?
- Xa lắm, bây giờ không nhớ!
Phò bản Phôn Hay đề xuất với đoàn :
-Nếu vào Phu Ca Tôn thì có đường đi qua bản Huội Chăng, để tôi gọi điện cho Phò bản Huội Chăng hỏi xem!
        Sau trao đổi qua điện thoại và hội ý nội bộ, cả đoàn quay ra đường 9 để vào bản Huội Chăng. Đường vào bản khó đi nên hơn mười người trèo lên xe u-oát của huyện đội Sê Pôn và  xe bán tải hai cầu của Văn phòng Ủy ban huyện. Đường vào bản rất xấu. Xe lắc như sàng thóc. Đến bản Huội Chăng đã thấy dân bản tập trung ở nhà Phò bản khá đông. Sau một hồi đàm đạo, xe chúng tôi nhận thêm 4 người nữa gồm Trưởng bản, ba người dẫn đường mang dao quắm. Từ bản vào trong núi, đường còn xấu hơn. Chạy khoảng năm cây số nữa, chúng tôi xuống xe theo đi theo những người dẫn đường đi vào rừng. Tôi rất lo ngại cho bác Sở tuổi trên 80 vẫn phải leo những con dốc dựng đứng, lội qua những khe nước trơn nhẫy. Khoảng rừng này còn rất nhiều cây lim, cây hương cổ thụ mang dáng dấp rừng nguyên sinh. Chai nước mang theo cạn dần. Mọi người đều thấm mệt. Cháu quay phim theo đoàn ngất xỉu do quá mệt. Lạ thay, bác Võ Sở vẫn có vẻ còn sung sức. Bác vẫn bám rễ cây trèo qua các mòm đá, vẫn luồn lách giữa lòng khe hẹp.
Khoảng một tiếng đồng hồ, người dẫn đường kêu lên:
-Cửa hầm đây rồi!
        Tất cả chúng tôi náo nức hẳn lên. Đoạn dốc đứng dẫn lên cửa hầm đầy những dây leo.  Những người dân bản phải phát cật lực mới tạo thành lối đi.  Chúng tôi thấy một cửa tò vò khoét vào sườn núi. Nhìn kích thước cửa chúng tôi thoáng vẻ ngạc nhiên. Người dẫn đường giải thích:
-Trước đây cửa này cao gần hai mét. Đất sụt xuống lấp, bây giờ không thể chui vào được.
Anh Hoàng Anh Tuấn xác nhận: “Đây là cửa thoát hiểm của hầm. Cửa chính phía trên cao”. Chúng tôi tranh thủ chụp ảnh lưu niệm. Anh Trần Văn Phúc sáng ý lấy chiếc bút xóa viết lên một đoạn cây gỗ khô: “11giờ30 ngày 02/4/2011 đoàn Ban Liên lạc toàn quốc Bộ đội Trường Sơn đã đến đây”. Nhiệm vụ của chúng tôi đã hoàn thành và quay trở về Sê Pôn.
         Tôi đã đọc được trong lịch sử Trường Sơn: “Hầm chỉ huy của Bộ Tư lệnh 559 đào sâu trong lòng núi, dài trên 200m, có nhiều nhánh, bên trong có cả phòng giao ban Bộ Tư lênh, các phòng trực ban của các cục; điện sáng suốt ngày đêm; sinh hoạt trong hầm rất chính quy và nề nếp; từ đây Tư lệnh có thể nói chuyện bằng điện thoại đến tất cả các Binh trạm và với  Bộ Tổng Tham mưu…”
       Tôi còn quay lại khảo sát Sở Chỉ huy này nhiều lần nữa, nhưng lần đầu tiên này đã để lại trong lòng tôi những dấu ấn sâu đậm, không thể nào phai. Tôi hi vọng rồi đây một “kỳ công” của Bộ đội Trường Sơn sẽ được phục hồi, trở thành một di tích được bảo tồn cho các thế hệ mai sau.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét