Trên tuyến đường
Trường Sơn, bản Bạc là 1 cái tên rất đỗi quen thuộc với cả 2 phía, tên 1
bản nằm ven con sông Sê Kông, có vĩ độ ngang với vùng Thượng Đức –
Quảng Nam. Đối với phía Mỹ cũng như phía ta, đó là 1 điểm thắt quan
trọng nằm trong chuỗi các trọng điểm đánh phá/ bị đánh phá thường xuyên
liên tục dọc tuyến đường chi viện của phía Bắc Việt xuyên qua đất Lào -
tuyến đường mòn Hồ Chí Minh nổi tiếng.
Tại đây, các phương
tiện vận tải phải vượt sông bằng phà, hoặc bằng ngầm, là 1 chướng ngại
thiên nhiên không dễ khắc phục đối với các lực lượng vận tải Bắc Việt.
Xung quanh khu vực này có bố trí các điểm kho, khu đỗ xe vận tải..., và
là 1 điểm đổi cung vận chuyển (Bắc trọng điểm Bạc - Nam trọng điểm Bạc)
trên tuyến vận tải. Sau khi vượt qua Bạc, các chuyến hàng sẽ đi đến Chà
Vằn, để rẽ ngang qua Quảng Nam vào khu 5, hay xuôi Nam xuống Phi Hà, vào
B3 Tây Nguyên hay tiếp tục qua đất Campuchia vào B2 Nam Bộ.
Dưới đây là 1 tổng
kết đợt đánh phá của phía Mỹ tại trọng điểm Bạc, từ ngày 19/12/1970 đến
ngày 5/1/1971. Thông tin này được Rongxanh dịch từ năm 2011, nay đưa lên
blog.
Bản đồ vị trí trọng điểm Bạc trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh
Dưới đây là lược dịch báo cáo của phía Mỹ
-------------------------------
1. Ngày
19/12/1970, Không quân Mỹ đã phát hiện một khu kho/ bãi đỗ xe trên đường
Hồ Chí Minh trên đất Lào, và dẫn đến 1 trong những chiến dịch oanh tạc
đáng chú ý nhất trong chiến tranh Việt Nam. Từ ngày 19/12/1970 đến ngày
5/1/1971, không lực đã oanh tạc và tạo nên hàng loạt đám cháy/ nổ phát
sinh trên các khu vực mục tiêu đơn lẻ. Thiệt hại về trang thiết bị và
hậu cần đã gây ra khó khăn đáng kể cho quân đội Bắc Việt trong việc tiếp
tế cho các lực lượng quân sự tại nam Lào, Campuchia và Nam Việt nam.
2. Ngày 10/10/1970, Không lực Mỹ bắt đầu chiến dịch đánh phá mùa khô,
mục đích làm giảm sự chi viện về nguời và hậu cần của miền Bắc vào miền
Nam Việt Nam. Trong tháng 11/1970, trung bình mỗi ngày thu nhận 252 tín
hiệu có xe vận tải hoạt động, phần lớn là ở phía trung Lào. Ngày 27/11,
cao điểm có tới 889 lần ghi nhận tín hiệu có xe vận tải hoạt động. Tổng
số lần ghi nhận tín hiệu cho tháng 11/1970 là 7564. Trong tháng 12, số
lần ghi nhận tín hiệu trong ngày tăng lên đến 665 lần. Số lượng tín hiệu
xe vận tải lớn nhất trong 1 ngày, ghi nhận trong tháng 12, là 1037 và
tổng cộng trong tháng là 20.601 lần. Khi các con sông gây ra lũ lụt trên
đường Hồ Chí Minh trong tháng 10 và tiếp diễn qua tháng 11, các báo cáo
đáng tin cậy cho thấy quân đội Bắc Việt đã trữ một khối lượng lớn hàng
tại bờ bắc sông, để chờ đợi thời điểm vượt sông. Phân tích từ các thiết
bị theo dõi di chuyển xe vận tải, tình hình thời tiết, và các hoạt động
cung cấp của Bắc Việt, bộ phận tình báo không lực Mỹ đã nhận định có 1
tổ hợp kho lớn tại khu vực bản Bạc. Từ ngày 1/9/1970 đến 18/12/1970, 25
tin tức tình báo liên quan đến trọng điểm Bạc đã được ghi nhận. Có 2
điểm liên quan đến kho hàng đã được ghi nhận. Một do ảnh trinh sát cho
thấy có 1 hầm và 1 khu vực kho lớn, ngày 4/9/1970. Một điểm khác ghi
nhận ngày 20/11/1970 cho thấy trận địa pháo phòng không và điểm kho bên
cạnh con đường. Không ảnh trinh sát cho thấy, đây có thể là khi vực đỗ
xe và khu kho, cách trọng điểm Bạc từ 1 đến 6 km. Trong tháng 11/1970,
các thiết bị theo dõi đã ghi nhận 4 lần rất nhiều xe vận tải đi đến
trọng điểm Bạc từ phía Bắc và khởi hành về phía Nam. Các dấu hiệu chỉ ra
rằng có 1 khu xuất hàng chính và khu kho gần trọng điểm.
Còn tiếp...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét